Môt bài hát có hai thành phần: nhạc và lời. Sáng tác một bài hát là thực hiện một công trình nghệ thuật. Nghệ thuật không phải ở nguyên phần nhạc, nhưng cả ở phần lời. Nhạc phục vụ trước hết ở phần lời, nghĩa là phần lời phải có giá trị tôn giáo và có giá trị văn chương.
Giáo Hội, Mẹ và Thầy, đã ân cần vạch ra những nguyên tắc cho người sáng tác phải tuân theo khi làm công việc đặt lời cho bài thánh ca.
Đức Phaolo VI nhắn nhủ phải chú ý loại bỏ những bài ca mà "những từ ngữ, những câu văn không mang lại danh dự cho thánh ca, cho văn thể ngôn ngữ,và trong một vài trường hợp, chúng còn trở nên thô thiển, quê mùa hoặc tương tựï như những quảng cáo tuyên truyền hơn là những lời cầụ nguyện"
Những nguyên tắc trên đây giúp chúng ta đạt được mục đích của thánh nhạc là " tôn vinh Chúa và thánh hóa tín hữu". Khi đặt bút viết lời cho bài thánh ca, chúng ta cần phải quan tâm đến nhữnng vấn đề sau đây.
Trong nghệ thuật, tùy theo mỗi thời đại, mỗi tổ chức xã hội và mỗi khuynh hướng mà có những hệ thống đề tài riêng mang những nội dung thích hợp. Thánh ca cũng có hệ thống đề tài của riêng mình. Vì thánh ca phục vụ phụng vụ, "góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong phụng vụ trong thể". Cho nên có bao nhiêu cử hành phụng vụ là có bấy nhiêu đề tài cho việc sáng tác. Mỗi đề tài lại có một nội dung riêng biệt để khai thác và sử dụng.
- Nếu xét theo nghĩa hẹp, phụng vụ thường dùng chỉ những tâm tình, những hành động bày tỏ sự tôn kính trước uy quyền của Thiên chúa và sự lệ thuộc vào Người. Như thế phụng vụ thường gồm 4 tâm tình cơ bản sau đây:
- Ca tụng: Là thụ tạo trước Đấng Hóa Công, là kẻ yếu đuối trước Đấng quyền thế, ta thấy mình nhỏ bé, và Người thật cao cả, uy hùng, nên ta bày tỏ sự lệ thuộc vào Người bằng những lời ca ngợi, tôn vinh.
- Tạ ơn: Đấng quyền thế ấy đã làm cho ta nhiều việc tốt lành: không những Người dựng nên ta, nâng ta lên bậc siêu nhiên, lại còn cứu chuộc và luôn để ý chăm sóc ta, nên ta tỏ lòng biết ơn Người.
- Đền tội: Nhận thấy mình hay sai lỗi, mà Thiên Chúa lại giàu lòng thương xót, ta xin Người đóai thương tha thứ mọi lỗi lầm.
- Cầu xin: Nhận thấy mình thiếu thốn mà Thiên Chúa lại giàu có và tốt lành, ta cầu xin Người thương giúp trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là lúc gặp gian nguy
- Thánh Lễ, đặc biệt là Thánh Lễ ngày Chúa Nhật gồm nhiều bài ca, trong đó ca dâng lễ và ca hiệp lễ là mảng đề tài thật phong phú về nội dung. Riêng ca dâng lễ cần lưu ý:
- Bài hát dâng lễ phải nói lên nội dung dâng bánh rượu. Trước hết phải đề cập đến bánh rượu; sau đó, ta mới dâng hồn xác, dâng cuộc sống, rồi mới dâng các thứ khác.
- Cũng cần nói tới mục đích: bánh rượu sẽ trở thành Mình Máu Chúa.
- Bài này nên viết vừa phải. Vì dài quá thường làvị chủ tế phải chờ đợi, nhất là trong các thánh lễ không có xông hương lễ vật.
Ngoài ra, người ta còn phân loại các thánh lễ. Theo lịch phụng vụ trong sách lễ Roma, các loại lễ trọng được phân ra:
- Lễ trọng kính Chúa: 10 lễ trọng và 6 lễ kính.
- Lễ về Đức Mẹ: có 3 lễ trọng, 2 lễ kính và 5 lễ nhớ bắt buộc.
- Lễ về các thánh: có 21 lễ trọng và kính các thánh trong lịch chung.
- Lễ trọng riêng (lễ kính tước hiệu nhà thờ, thánh bổn mạng, cung hiến nhà thờ…)
- Mùa Phụng Vụ:
Các đề tài thánh ca còn tùy thuộc vào các mùa phụng vụ: Mùa vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa chay, Mùa phục sinh, Mùa thường niên, trong đó nổi bật nhất và đỉnh cao của mùa phụng vụ là Tuần Thánh với Tam Nhật vượt Qua.
Theo đề mục của sách lễ Roma, người sáng tác còn có rất nhiều đề tài để viết, hầu đáp ứng các nhu cầu ca hát của cộng đoàn trong các thánh lễ có nghi thức riêng (nhất là thánh lễ có cử hành bí tích hôn phối, ta quen gọi là Lễ Cưới), các thánh lễ cho các nhu cầu khác nhau, trong một số trương hợp đặc biệt như theo truyền thống dân tộc (Lễ Tết, Lễ Xuân), nhất là Thánh Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (Lễ cầu hồn). Phụng vụ còn cung cấp cho ta những đề tài và nội dung thích hợp để sáng tác những bài ca dành cho cử hành bí tích ngoài thánh lễ, như Bí tích Sám hối và nghi thức sám hối;chầu Thánh Thể; các giờ kinh Phụng vụ; hay những bài ca suy niệm; hoặc trong những trường hợp: suy tôn Lời Chúa, cầu cho cha mẹ, rước lễ lần đầu, dâng hoa…
Mỗi đề tài lớn hàm chứa nhiều khía cạnh nhỏ hơn. Cũng là ngợi khen tình yêu Thiên Chúa, nhưng có thể phân chia thành tình yêu Chúa nói chung, tình yêu hy sinh, tình yêu tha thứ. Thí dụ cũng một đề tài Thiên Chúa nhưng UBTN toàn quốc đã gợi ý và chọn tuyển thành những đề tài riêng biệt.
- Hướng về Năm Thánh 2000: Đức Kitô, Đấng Cứu Độ…(1996).
- Chúa Thánh Thần, Đấng Ban Sự Sống (1997)
- Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót(1998)
Nói cụ thể thì thánh ca có nhiều loại bài dùng cho các trường hợp phụng vụ chủ yếu là phụng vụ Thánh Lễ. Tùy theo mỗi tác giả diễn tả, nhưng thường mỗi loại bài có một dung nhất định của loại ấy. Các tuyển tập thánh ca của các UBTN và của LM Kim Long giúp ta có cái nhìn cụ thể hơn về các đề tài để viết bài ca phụng vụ.
Điều cần phải lưu ý khi chọn đề tài để viết là phải phân biệt mỗi cử hành phụng vụ đều có một tính cách riêng, vì thế đòi hỏi nét nhạc riêng và nội dung riêng phù hợp với ý nghĩa của cử hành phụng vụ. Không nên gượng nhét vào một bài có nét nhạc chung với nhiều lời ca mà mỗi lời ca mang một nội dung tách biệt không ăn nhập gì đến nhau. Bởi lẽ, "cho dầu phụng Thánh đặc biệt là việc phụng thờ Thiên Chúa uy quyền, nhưng còn bao hàm việc giáo dục lớn lao cho dân chúng trung thành. Thực vậy, trong Phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Ngài, đồng thời Chúa Kitô rao giảng Phúc Âm. Còn dân chúng đáp lại Thiên Chúa qua tiếng hát lời kinh". Do đó, bài hát phải có nội dung mang tính giáo dục và tính mục vụ, để đạt được mục đích mà cử hành phụng vụ nhắm tới. Thí du Ca nhập lễ khác với Ca tạ lễ.
Ca nhập lễ, còn gọi là"Thánh Ca dẫn nhập, hay thánh ca mở đầu" của Thánh lễ, có 3 mục đích:
- Mở đầu cho việc cử hành đồng thời giúp cho những ai được quy tụ cùng nhau đi vào một hành động chung, thành một cộng đoàn tình thương và sống động.
- Nhờ nhạc và lời, mọi người trong cộng đoàn được Đức Kitô Phục Sinh triệu tập quy hướng tâm trí về mầu nhiệm theo mùa, theo ngày và theo lễ.
- Cùng hát theo với đoàn ruớc(gồm thánh giá nến cao, Linh Mục chủ tế và những thừa tác viên khác đang tiến vào cung thánh)
Ca tạ lễ: ở Việt Nam sau công thức giải tán của chủ tế, người ta hay hát thêm một bài (nhưng bài này ngoài phụng vụ), đề tài tương đối tự do hơn, như: về ngày lễ (Đức Mẹ, Các Thánh); tạ ơn Chúa để ra đi sống thánh lễ trong cuộc đời… loan báo Tin Mừng; về lòng sùng kính đã quen trong cộng đoàn … hay cầu cho cha mẹ, cho người quá cố… Bài ca kết lễ có thể thực hiện 2 cách: tất cả hát xong rồi ra về; hoặc vừa hát vừa ra về…
Như vậy sau khi đã chọn xong đề tài, chúng ta cần phải xác định bài ca này hát cho ai nghe và cho ai hát, trong hoàn cảnh hay trường hợp nào của phụng vụ, nghĩa là để bài hát được công nhận sử dụng trong phụng vụ, nó phải mang tính cộng đoàn.
Bài ca được gọi là thánh ca vì bài ca ấy được sử dụng và chỉ sử dụng trong phụng vụ. Phụng vụ là một "hành động" hay "cử hành" bao gồm những yếu tố tạo nên toàn bộ phụng vụ, mà trong đó cộng đoàn là một yếu tố, một thực tại cốt yếu của phụng vụ. Cộng đoàn phụng vụ là một cuộc họp mặt Dân Chúa do Đức Kitô triệu tập, do Thiên Chúa quy tụ đối diện với Người để cử hành giao ước. Nên phụng vụ huy động mọi họat động của những người hiện diện. Do đó, phụng vụ không có tính cách cá nhân, nhưng mang tính cộng đoàn.Vì vậy khi viết bài thánh ca, phải quan tâm đặc tính này. Lý do trên đã vậy, mà còn có những lý do khác nữa, như:
Đôi khi có những ca khúc dành cho một nhóm nhỏ (dâng hoa, các bà mẹ, thiếu nhi, rước lễ lần đầu…" không có tính cách toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Trong trường hợp này lời ca vẩn mang tính cách chung của tập thể nhỏ ấy xét như một thành phần của cộng đoàn phụng vụ.
Ngay cả khi một mình linh mục đọc Kinh tạ ơn (kinh nguyện Thánh Thể) thì đó không phải là kinh nguyện của một mình linh mục, nhưng là của toàn thể cộng đoàn. Vị linh mục không tách rời cộng đoàn; ngài liên kết với cộng đoàn và nhân danh cộng đoàn mà cầu nguyện. Do đó, trong bài ca nếu có lúc phải viết cho một giọng đơn xướng, thì không có nghĩa là cá nhân, nhưng qua người lĩnh xướng, tất cả cộng đoàn hiệp nhất trong một tâm tình.
Tuy nhiên, ta cũng cần phải hết sức thận trọng nếu không sẽ có thể viết những bài hát, trong đó có nguyện cầu, có nói đến Chúa, nhưng vì thiếu vắng hẳn cộng đoàn tính nên không thể gọi là bài thánh ca. Chẳng hạn:
"Còn quỳ lạy Chúa trên trời,
Sao cho con lấy được người con yêu.
Đời con đau khổ đã nhiều
Xây bao nhiêu mộng trắng tay vẫn nghèo
(Nhất TuấnHoặc:
Lạy chúa con là lính trận ngòai biên
Vì xa thành phố xa quá nên quên ….
Hay 2 bài sau đây
Bên trong cung thánh
Chiều dần buông bên trong thánh cung đèn mờ
Một mình con chân đứng trong ngẩn ngơ
Chúa ơi xin thương lắng nghe
Sao Chúa bỏ con bơ vơ ngóng chờ
Nhìn màn đêm con nghe xót xa bàng hoàng
Bạn bè con từng đứa đã bỏ đi…
(Đỗ Vi Hạ)
Tôi đi kiếm tiền
Tôi đi kiếm tiền mà nuôi vợ chứ nuôi con
Ai bảo tôi rằng (thì là) tôi bỏ Chúa
……Tôi lam lũ hòai mà thua thiệt với anh em
(Thiện Thi)
Tóm lại, khi viết cần phải xác định tính phổ biến của bài ca, mọi tâm tình cá biệt của cá nhân phải nhường bước hoặc tháp nhập vào tâm tình chung của toàn thể cộng đoàn. Một khi đã hình thành được đề tài, nội dung và đối tượng cộng đoàn, chúng ta dễ dàng tiến hành bước dàn ý.
Nhiều bài ca phụng vụ có dòng ca rất hay, nhạc đề súc tích, nhưng khi đọc kỹ các lời ca của cả bài, nhất là những bài viết nhiều tiểu khúc, thì người ta nhận thấy trong đó không có bố cục, các ý tưởng chồng chất lên nhau, hoặc lặp đi lặp lại cùng một ý tưởng ở các phần tiểu khúc. Vì thế khi viết ca từ phải liệu sao sắp xếp cho có trật tự các ý tưởng trong một bố cục chặt chẽ.
Theo cha Kim Long, ca khúc thường được hình thành với hai đoạn rõ rệt (hoặc ngoại lệ gồm 3 đoạn, hay nhiều đoạn), điệp khúc và tiểu khúc. Điệp khúc, vì được lặp lại nhiều lần nên ý lời ca cần cô đọng, độc đáo và vượt trổi. Càng viết ngắn, điệp khúc lại càng cần có ý nghĩa sâu xa hơn. Còn tiểu khúc, phải viết thế nào để lời ca ăn khớp với điệp khúc bằng cách quảng diễn hay bổ túc ý của điệp khúc.
Nghĩa là các lời ca phải phân phối sao cho có sự điều hòa, thống nhất và lời ca sau càng làm phong phú thêm lời ca trước, giữa Điệp khúc và các tiểu khúc và giữa các tiểu khúc với nhau. (thường ít nhất phải có hai tiểu khúc)
Điệp Khúc mang lời ca khái quát ý tưởng của cả bài hát, hoặc mang chủ đề chính, thường viết giản dị,dễ hiểu để cũng có thể hát chung nhịp nhàng, dễ nhớ. Ca từ trong phần điệp khúc quan trọng nên phải lưu ý viết thật chỉnh, đầy đủ ý nghĩa. Có hai cách trình bày ý tưởng chính của bài hát:
Một là điệp khúc viết trước và điệp khúc sẽ soi sáng cho tiểu khúc viết sau.
Hai là tiểu khúc viết trước để dẫn về Điệp khúc.
Cách nào cũng được, nhưng phải nối kết chặt chẽ các ý tưởng lại với nhau.
Thí dụ:
Bài "Magnificat anima mea", thường lấy câu "Linh hồn tôi tung hô(ngợi khen…) Chúa…" làm ca từ khái quát trong phần ĐK, vì toàn bộ các TK đều nêu ra những hành động yêu thương của Chúa, là lý do cho "Linh hồn tôi tung hô".
Hoặc bài "Lắng Nghe Lời Chúa", có 4 TK đều có chung một ý tưởng "xin ơn cho biết lắng nghe và thực thi lời Chúa", bởi lẽ "Lời Ngài(Lời Chúa) là sức sống của con, Lời Ngài là ánh sáng đời con". Cả điệp khúc tác giả dùng điệp ngữ: Lời Ngài, Lời Ngài… để tạo nên một âm hưởng tác động của Lời Chúa lên con người.
Thí dụ:
Bài "Chỉ một Chúa" (Kim Long, Ca Lên Đi tuyển tập 1 trang 25) mỗi TK đều kết thúc bằng câu "xưng tụng rằng" để bắt vào ĐK.
Hoặc bài "Thảo Hiếu" (Đan Tâm, tuyển tập thánh ca 1 trang 252)
Hay bài "Xin Dâng Lên Ngài" (kim Long,CLĐ.tt.3 tr 148)
Phải tránh những trường hợp TK1 đưa về ĐK rất "ngọt" nhưng đến TK2 và 3 thì dẫn đi đâu, làm cho người hát và người nghe bị hụt hẫng.
Thí dụ: Xin xem thí dụ trang ….
Thí dụ:
Bài "Xin Ngài thương con" (Thành Tâm, Thánh Ca Vào Đời, trang )
Bài "Chúa không lầm" (Kim Long CLĐ TT2, trang 175)
3.3.1.4: Nếu không có coda, (để kết)bài hát luôn kết thúc sau khi hát ĐK. Do đó, phải lưu ý để khi dứt ĐK, ý tưởng đã đầy đủ để tạo sự kết trọn vẹn.
Thí dụ:
Bài "Xin thương mau ngự đến, Lạy Chúa Giêsu" (Kim Long, Chung lời ngợi ca 3, trang 5)
Viết bao nhiêu TK, đó là quyền tự do của người sáng tác, miễn là mỗi TK phải có độc đáo riêng của nó. Tuy nhiên, phải để ý xem bài ca sẽ sử dụng trong trường hợp phụng vụ nào mà thời lượng cho phép dài hay vắn. Nếu không đang diễn xướng nửa chừng phải ngưng lại,trong khi chưa trình bày hết ý tưởng cẩn phải diễn đạt thì sẽ gây chia trí, thắc mắc cho cộng đoàn. Kinh nghiệm gíup ta nêu ra vài nhận xét:
Thí dụ:
Bài " Đá xanh tạ tội" (Đỗ Vi Hạ THVĐ tr )
Được TK1, sang đến TK2 và 3 thì lộn xộn, lan man, có những chỗ chẳng biết tác giả muốn nói gì.
Thí dụ:
Bài "Từ bỏ mình đi" (Vương Diệu, Chúc tụng Chúa 2 tr17)
TK1 và TK3 có ý tuởng giống nhau (cũng là lời Chúa dạy), còn TK2 tổng kết ý tưởng 2 TK kia và đưa ra "quyết tâm sống" hơn nữa TK2 rất khác với ĐK, do đó rất nên để làm TK cuối cùng, thay vì TK2.
Một thí dụ nữa cho thấy có thể sửa chửa bằng cách hoán đổi thành phần của Thánh Kinh này với thành phần của Thánh Kinh kia, trong bài "Xin dâng tiến" (Nguyễn Vũ, Chúc tụng Chúa2, trang 65).
TK 1: "Xin tiến dâng của lễ mọn hèn
Xin tiến dâng lên lòng tin và yêu mến …"TK 2: "Con thiết tha dâng cuộc sống muộn phiền
Như lễ Abel ngày xưa thành tâm tiến …"Đọc TK 2 ta thấy có cái gì đó không ổn, vì ngày xưa Abel đâu có dâng cuộc sống muộn phiền. Nếu hoán đổi câu thứ 2 của mỗi TK cho nhau, thì ý nghĩa tự nhiên hơn nhiều, như sau đây:
TK 1: "Xin tiến dâng của lễ mọn hèn
Như lễ Abel ngày xưa thành tâm tiến …"TK 2: "Con thiết tha dâng cuộc sống muộn phiền
Xin tiến dâng lên lòng tin và yêu mến …"Như vậy, khi chủ định viết nhiều TK người sáng tác phải dàn ý rõ ràng, mỗi TK là một ý. Nhưng chưa đủ, mà còn phải xét xem giữa các TK với nhau có sự tương quan chặt chẽ về ý tưởng, về đối tượng và sự thống nhất không.
Tất cả các TK cùng một ý tưởng, thì phải dùng những hình ảnh khác nhau để diễn tả: cách này không những khắc sâu suy tư của người hát và nghe mà còn tạo ra được sự phong phú của lời ca.
Thí duï:
Bài "Lạy Chúa" (Kim Long, CLĐTT1, tr. 144)
Các TK đều diễn tả một ý tưởng: con người mơ ước về bên Chúa: TK1: Nai rừng… ước mong về… suối trong
TK2: Lữ hành _____________ quê dấu yêu
TK3: Chim đàn_____________ tổ ấm êm
TK4: Gian trần_____________ bên Chúa luôn
Bài "Xin vâng" (Mi Trầm), là một ca khúc rất hay. Tiếc rằng, tác giả chỉ viết có 2 TK, nhưng xét ra chỉ có một TK mà thôi. Vì thế chúng tôi đã được phép tác giả để viết thêm một TK khác, như sau:
TK3: Mẹ ơi, Mẹ tin nơi Chúa an bài
Mẹ nên phúc ân muôn loài
Nơi Mẹ đoàn con xin đến nương thân,
Mẹ ơi, niềm vui bên Mẹ chan chứa.
Được luôn trung thành theo Chúa.
Xin Mẹ dạy con hai tiếng Xin vâng.
- Đều là cầu xin:
Bài "Lắng Nghe Lời Chúa", cả 4 tiểu khúc đều bắt đầu "Xin cho con"
- Đều là ngợi khen:
Bài "Ca Lên Đi 3" (Kim Long, CLĐ.TT.1, tr 7), cả 8 TK đều bắt đầu từ ý tưởng kêu gọi "ca lên đi"
- Đều là thống hối:
Bài "Giọt Lệ Thống Hối" (Tâm Bảo, CTHT, tr )
- Đều là nhận định:
Bài "Người Ơi Hãy Nhớ" (Kim Long, CLĐ.TT.3, trang 191)
Đa số các bài đều có các ý tưởng khác nhau xen kẽ, thí dụ vừa có tâm tình cảm tạ, vừa xin ơn, hoặc vừa ca khen Chúa vừa kêu gọi con người thờ lạy, hoặc câu trên diễn tả tình Chúa bao la, và câu dưới nêu ra sự bội bạc của con người.v…v..
- Hình ảnh tương phản nhau:
Thí dụ:
- Bài "Đời ai" (Lan Thanh)
TK2: "Ngày xưa …
TK3: Ngày nay …"
- Nối tiếp nhau:
Thí dụ:
- Bài: "Thắp Sáng Lên" (Trầm Hương)
TK3: "Trần gian hôm nay …
TK4: Rồi hôm nay đây …"
- Bài "Tâm Tình Con Dâng" (Nguyễn Duy. NKTĐ TT1, trang 58)
Từ TK2 – TK5 kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu theo thứ tự thời gian.
- Bài "Bài Ca Tình Yêu " (Kim Long, CLĐ.TT.3, trang 5)
Bốn TK lần lượt ghi lại diễn từ của Thánh Phaolô về Đức Ái, mỗi TK ghi lại một khía cạnh của yêu thương.
- Hoặc bài, "Kinh Hòa Bình" (lời Thánh Phanxicô Khó khăn, nhạc Kim Long, CLĐ.TT.1, trang 41) là trường hợp ngoại lệ, chỉ có nhiều đoạn nhạc, nhưng ý tưởng nối tiếp nhau thật chặt chẽ, ý sau diễn giải, mở rộng ý trước, những ý tưởng kết hợp thành một nội dung đầy đủ và rõ ràng giải nghĩa cho ý đầu tiên được rõ nghĩa hơn "Khí cụ bình an của Chúa" là cách thực hiện luật "mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người".
- Bổ sung cho nhau:
Câu TK sau làm rõ nghĩa hơn cho TK trước
Bài "Nếu Chúa không" (Kim Long, CLĐ.TT.2, tr 27):
TK1: "Sóng nước phủ che ta, ngọn thác băng qua mình
dòng nước cứ chảy miên man lấp sóng trên hồn ta"
TK2: "Chúa đã chẳng trao ta vào vuốt nanh quân thù
Hồn tiến bước tựa chim kia thoát lưới bao thợ săn".
CâuTK cuối cùng tổng kết các TK trên:
Bài "Ta là Bánh hằng Sống": (Kim Long, CLĐ.TT.4, trang 156)
TK3 tóm kết chân lýđã được quảng diển ở các TK trên.
Bài "Cuộc đời là bể dâu" (Phanxico )
Trong bài này:
TK1: nói về cuộc đời có thời gian thay đổi
TK2: tình yêu và sum họp ở đới chóng qua,
TK3: dù giàu sang hay nghèo đói, ai cũng qua đời.
TK4: Tổng kết:"Đời sống nơi trần thế biết tìm đâu hạnh phúc vững bền"Biết đường nào an vui muôn thuở, biết làm sao sống muôn đời?…
- Dùng cách phủ định để diễn tả mạnh hơn một xác tín:
Thí dụ:
- Bài"Chúa không lầm"(Kim Long CLĐ, TT2, trang 175):
TK1-6:"Chúa không lầm khi Ngài…"
- Bài "Noel không có Chúa"(Kim Long, CLĐ,TTHC,tr. ).
Đây là một loại sáng tác mới được giới trẻ ngày nay yêu thích, mang tính cầu nguyện và chiêm niệm cao, là những dòng ca của cộng đoàn TAIZE, đơn sơ, thâm trầm cụ thể đã được yêu cầu sử dụng tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới JMJ lần thứ 12 tại Paris vừa qua. Dòng nhạc mang tính quần chúng, âm hưởng bình ca, lời đa số là Thánh Kinh.
Thí dụ:
- Bài "ADORAMUS TE DOMINE".
- Bài "JESUS, REMEMBER ME".
Dĩ nhiên bài ca phụng vụ, cơ bản là lời cầu nguyện của cộng đoàn dâng lên Chúa, là lời đáp trả cuả dân Ngài, nên chỉ có 2 đối tượng:người hát và người nghe là chính. Tuy nhiên, ta có thể mượn nhiều cách xưng hô khác nhau để diễn tả tâm tình cầu nguyện, miễn là phải đảm bảo tính duy nhất. Tùy theo yêu cầu của nội dung lời ca, mà có sự thay đổi khác nhau trong mỗi bài. Thông thường, lời ca là lời con người trực tiếp nói với Chúa, nhưng cũng có khi là nói với chính mình(Hồn tôi ơi hãy ca tụng Chúa…). Có khi nói nhau nhưng là ca ngợi Chúa; có khi nhắc lại Lời Chúa phán trong Phúc Âm để mượn lời đó kêu cầu với Ngài, hoặc nhắc nhớ nhau sống đạo.Vì vậy, có thể viết bằng những cách:
- Các TK đều là Lời Chúa nói với ta:
Thí dụ: Bài "Niềm tâm sự"(Anh Linh):
"Thầy yêu chúng con. lời ai nói cho cùng…"
"Thầy là cây nho, chúng con…."
- Các TK đều là lời ta thưa với Chúa: thường bắt đầu bằng"Lạy Chúa…". Loại bài viết theo cách này có rất nhiều.
- Các TK là Lời Chúa nói, Lời Chúa dạy hay phán, còn điệp khúc là lời của ta đáp lại.
Thí dụ: Bài "Làm cho Chúa"(Kim long, CLĐ.TT.3, tr 52).
Bất cứ một bài văn, một thi khúc, một bức họa nào cũng phải nêu bật được tính thống nhất hay duy nhất tính. Bài ca không phải duy nhất trong phần nhạc, giữa nhạc và lời, mà lời ca cò phải thống nhất với nhau. Nguyên tắc lớn của nghệ thuật vẫn phải là thống nhất giữa các biến đổi, các khía cạnh khau vẫn phải qui về một ý, một chủ đề. Do đó, phải tránh những kiểu viết như sau:
- Đang diễn tả những tâm tình cảm tạ chưa xong đã chen vào tâm tình ăn năn.
- Đang cầu nguyện cho người đã qua đời, lại quay sang cầu nguyện cho người sống.
- Đang bày tỏ một niềm cậy trông mãnh liệt mà lại đi trách móc Chúa(Bỏ Ngài con biết theo ai?_Sao Chúa bỏ con.)
- Đang dâng Đức Giêsu hiến Tế tình yêu lên Chúa Cha, lại viết tiếp "dâng lên Vua Tình Yêu" hiến lễ hy sinh của Đức Kitô v.v...
- Nhất là các bài có nhiều TK, ta có cảm tưởng như tác giả viết các TK và những thời điểm khác nhau.
- Đừng vì ham viết nhiều TK mà để xảy ra trường hợp đang khi 2, 3 TK thật ăn ý với nhau, thì lại chen vào một TK không liên hệ gì, ta có cảm tưởng nó lạc lõng vô nghĩa.
Nói chung, dù nhiều hay ít, các TK của bài ca phải như những nhánh cây phát sinh từ một thân; như những dòng sông riêng lẻ, mỗi dòng mỗi vẻ nhưng phải đổ về cùng một biển xanh.
Một khi đã có ý tưởng cho bài ca rồi, chúng ta còn phải vận dụng khả năng ngôn ngữ để diễn đạt. Khả năng này là cách sử dụng những hình thức văn chương, đặc biệt là những kỹ thuật trong thi ca.
Thành công của những ca khúc đời phần lớn ở ý tưởng độc đáo được diễn tả qua những lời ca đầy chất thơ.Lời ca của những ca khúc ấy được các nhạc sĩ cẩn thận chắt lọc và chăm chút đến từng từ từng chữ. Ta có thể nhận thấy điều này một cách nổi bật nơi những tác phẩm của Phạm Duy, Văn Cao hay Trịnh Công Sơn… Nếu các nhạc sĩ đời còn đòi hỏi một hình thức thật đẹp cho lời ca của mình, thì tại sao chúng ta lại không mặc cho lời ca của lời ca phụng vụ chúng ta có ý viết dâng lên Chúa, một thứ áo văn chương đẹp hơn ? Nghĩa là phải gọt dũa lời ca sao cho xứng đáng và có giá trị đối với phụng vụ. Muốn vậy, phải nắm vững và sử dụng khéo léo: từ ngữ, mỹ từ pháp (figura), phép tu từ, ngôn ngữ tạo hình biểu cảm, hình tượng nghệ thuật, điển ngữ, tiết điệu, vần điệu….
Nói đến ca từ, cũng như nói đến thơ, ta phải nói đến đặc trưng của từ ngữ trong lời ca (cũng là lời thơ).
Từ ngữ trong lời ca là từ ngữ cô đọng, hàm súc, có sự chọn lựa kĩ càng. Dù là một ca khúc dài hay có nhiều TK, con số từ ngữ được sử dụng vẫn rất hạn chế. Thế mà mỗi lời ca phải thể hiện môt đề tài, một ý tưởng, một sự kiện hay một tâm tình với nhiều khía cạnh. Lời ca vì thế phải chính xác trong việc sử dụng từ ngữ, phải hiểu rõ ý nghĩa và vai trò từng từ. Nếu đặt từ sai chỗ, hiểu sai từ, sẽ hiểu sai cả bài ca.
Thí dụ: Bài:"Thu phong " của Tản Đà
"Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nữa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?"
Có người sửa từ rụng thành rũ, rơi thành bay, thì vô nghĩa, vì lá bay sang cả hàng xóm và cả sang nhà mình, vậy cây này gốc ở đâu? Mỗi từ có ý riêng là vậy.
Việc dùng từ cho đúng và hợp với dòng nhạc đòi hỏi người viết phải có một vốn từ ngữ rất phong phú. Càng biết rộng, càng nhiều từ, càng có điều kiện chọn từ "đắt" nhất. Tích lũy vốn từ bằng cách: đọc nhiều sách, nhất là Kinh Thánh (với bản dịch đúng và hay, chẳng hạn bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ), các thánh ca, thánh vịnh,thánh thicủa sách Thần Vụ…v…v, mở mắt để nhìn ngắm và lưu trữ các hình ảnh trong thiên nhiên, trong cuộc đời….
Xét về phía cộng đoàn, thì điểm quan trọng nhất của từ ngữ là ý nghĩa của từ ngữ. Có thể nhiều người không lưu ý đến dòng ca, nhưng họ lắng nghe lời ca, ý nghĩa của từng từ ngữõ trực tiếp tác động đến họ. Giáo Hội dạy phải diễn được ý nghĩa của toàn câu, làm nổi bật vai trò của từng chữ trong câu. Nếu dùng từ không có ý nghĩa thích hợp, hoặc không rõ nghĩa, thì người trình độ thấp có thể hiểu sai hoặc không hiểu ý lời ca, còn người có trình độ có thể nhận ra ngay chỗ sai ấy. Lời ca gíup cầu nguyện, thì lơì ca ấy" phải được giáo hữu hiểu và thúc đẩy tâm tình đạo đức của họ".
Thí dụ Bài " Hồng trần
Cho nên, vốn từ rất quan trọng trong việc sử dụng chọn lựa từ.
Từ trong ca từ chứa đựng tiếng vang cảm giác được của các chữ trong sự kết hợp của chúng. Bởi vì, "chữ nghĩa không chỉ là chữ a chữ b, mà cả cái tiếng vang lên trong chữ, tiếng vang của cả khoảng cách giữa những chữ, những dòng". Như vậy, ta cần chú ý đến vai trò của các nguyên âm, phụ âm, của các vần và cả thanh điệu nữa. Mỗi chữ không chỉ mang giá trị thông tin nhờ mặt ý nghĩa, nhưng còn có một khung âm thanh (tính từ, trạng từ tượng thanh) để biểu cảm hoặc làm tăng cường độ thông tin.
Thí dụ:
1, Nguyễn Du viết:
"Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh"
Gợi lên nặng nề, mệt mỏi tạo nên sức biểu cảm mảnh liệt
2, Kim Long trong bài "Hỡi người hãy nhớ"(CLĐ.TT.1, trang 244) viết:
"Một làn gió nhẹ lung lay….."
Tạo nên cảm giác rung động mềm mại, nhẹ nhàng, (x. lả lướt, lung linh, lờ lững…."
3, Bài "vang lên muôn lời ca"(Hoàng Kim)
Chỉ một "âm a", tác giả đã diễn tả trọn vẹn sự vui mừng, oanh liệt, hả hê sau cuộc xuất hành thành công của dân Chúa với sự hãnh diện ở niềm tin nơi Chúa.
Một vài dẫn chứng trên đây tương đối giúp ta thấy rõ vai trò tiếng vang cảm giác của âm thanh trong từ ngữ õkhá quan trọng khi viết lời ca. Vì thế, khi có thể, ta nên khai thác tính chất âm thanh của các từ. Viết "đêm âm u" hay "đêm đông lạnh lẽo" vẫn đẹp hơn là viết "đêm" trống không. Viết" mưa rơi tí tách" vẩn gợi cảm hơn là "mưa" hay "mưa rơi". Hãy biết cách sử dụng các từ gợi hình và nhất là các từ gợi thanh rất phong phú trong tiếng việt.
So sánh là một trong những mỹ từ pháp, được dùng nhiều hơn cả. Trong ca dao tục ngữ Việt nam, dân tộc ta rất tài tình sử dụng cách so sánh: dùng những thực tại, những hình ảnh cụ thể, trực tiếp hay gián tiếp để bày tỏ những ý tưởng trừu tượng, những tâm tư tình cảm sâu kín của con người VN vốn tế nhị và kín đáo, nhưng cũng rất phong phú và đa dạng. Nhiều khi nhờ dùng lối so sánh mà người ta "nói ít hiểu nhiều"
Trong Thánh Kinh, thường hay dùng cách so sánh để bày tỏ những chân lý về Thiên Chúa, về con người, về cuộc đời ngõ hầu giúp dân thánh tiếp thu được ý định của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu, Ngài cũng suy niệm Thánh Kinh, cũng nhìn ngắm sự vật và con người, rút tỉa trong khung cảnh làng mạc, trong biến cố hằng ngày những hình ảnh sau này bằng cách so sánh sẽ tô điểm, minh họa những lời chân lý ban sự sống của Ngài. Trong cuốn sách thiên nhiên, Ngài đã thu nhận được nhiều hình ảnh cụ thể, ý vị để rao giảng: nào là mặt trời ban trưa soi sáng cho kẻ lành cũng như người dữ, nào chim chóc luôn vui đùa ca hát không lo lắng đến ngày mai, nào những cánh huệ ngoài đồng lộng lẫy đến nỗi Salômon sang trọng cũng không mặc đẹp bằng, nào cây vả khô cằn, nào gà mẹ ấp ủ gà con, nào hạt giống trên đường sỏi đá, nào mục tử hiền lành tận tâm chăn dắt đoàn chiên,..v..v
Do đó, khi sáng tác lời ca, cần phải biết tận dụng phép tu từ này để nhờ những thực tại người nghe cảm nghiệm được những ý tưởng trừu tượng. Tuy dễ dùng, nhưng phải cân nhắc để tránh những lỗi lầm do cách so sánh không cân đối giữa 2 vế, chẳng hạn: "Muôn hoa đẹp tươi như những lời ca" (thay vì làm rõ nghĩa, thì lại tối nghĩa hơn): "Mẹ như cánh chim Phượng Hoàng" (hình ảnh không thích hợp với chủ thể). Sau đây là mấy cách so sánh thông dụng:
Vì thương Chúa gánh muôn nỗi khổ đau.
Mừng Thánh Nhi xuất hiện.
Mây nhắn mây lại qùy
Phượng thờ Vua vinh hiển (Xuân Ly Băng - K.Long)
Đây là cách dẫn dụ kín đáo để so ánh hình ảnh này với danh từ kia cho thêm phần hoa mĩ và rõ nghĩa.
- Ẩn dụ từ vựng:
Đầu sông, chân trời, trái tim rực cháy (hay lửa chaý)….
- Ẩn dụ cá nhân: Lấy đối tượng này để biểu hiện đối tượng kiadựa trên sự liên tưởng về nét tương đồng giữa hai đối tượng.
Chỉ xin đọng giọt yêu thương
Chỉ xin tiếng hát làm đường Chúa đi (Viết Chung).
Tiếng hát không thể làm con đường được, nhưng do liên tưởng tiếng hát là một phương tiện việc truyền giáo cho Chúa, nên lại hợp lý và có chất thơ hơn.
Cũng có khi ẩn dụ còn được gọi là so sánh ngầm:
- Linh mục: "Hoa huệ giữa bụi gai" (Tiến Dũng)
- "Một luỡi gưỡm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ"
(Lc 2,35)
- "Giữa biển đời mịt mung thuyền xa bến" (K.long)
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn (ca dao)
Tả hoa sen đẹp mộc mạc nhưng là đề cao phẩm giá trong sạch của con người.
"Hoa nào không phai tàn
Trăng nào không khuyết
Ngày nào không có đêm
Yến tiệc nào không có lúc tàn" (Nguyên Kha)
Nói lên các hiện tượng thăng trầm trong cuộc sống để dạy bài học về sự chóng qua của đời này.
Nhiều dụ ngôn của Chúa Giêsu thuộc về loại phúng dụ này: cỏ lùng, người gieo giống, mẻ lưới,….
Bài: "Hai vì sao sáng" (Phanxicô)
- "Nhưng từ ngày Chúa khiến hai lòng
Hai lòng cùng cháy, hai lòng cùng sáng"
(Hai lòng chỉ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ)
- "Nước mắt mồ hôi
Những ngày tháng trôi" (Phanxicô)
("Nước mắt mồ hôi" chỉ sự gian khổ lao động)
- "Trăm chi họ tiến lên" (Viết Chung)
(Chỉ toàn thể nhân loại)
Công giáo thừa hưởng một kho tàng phong phú về điển tích, thành ngữ từ Thánh Kinh và Thánh Truyền. Những điển tích, thành ngữ ấy được thi ca và phụng vụ giáo Hội sử dụng rất nhiều. Tại sao khi đặt lời ca chúng ta lại không biết khai thác để làm phong phú ý tưởng với những hình ảnh tượng trưng đầy biểu cảm này. Như:
Manna: Một hình ảnh dễ nhớ, dể hát, nhưng chuyển tải biết bao nhiêu là ý nghĩa:
- Thức ăn bởi trời mà dân Do Thái đi trong sa mạc đã phải đi lượm mỗi ngày và sau đó đem về chế biến (x. Xh 16, 1-36)
- Là Đức Giêsu, Bánh bởi trời đích thực (x. Ga 6, 32)
- Là lời Ngài,manna mới đem lại sự sống đời đời (x.Ga 6, 68)
Nhắc đến "Bờ sông Babylon": ta cảm nhận được thân phận lưu đày, tình trạng tội lỗi và ước mơ của trần gian trông ngóng về quê trời
Đồng cỏ: gợi lên tình thương của Chúa chiên lành.
Cánh đồng "mời gọi ta sứ mệnh truyền giáo.
Hay chỉ cần nói đến "Cột mây", "hoa huệ ngoài đồng" làm cho người nghe đủ cảm nhận biết bao nhiêu điều về tình yêu Chúa quan phòng.
"Đi ra thơ thẩn đi vào bâng khuâng"
Linh mục nhạc sĩ Kim Long đã giải thích như sau:"khi đọc một câu thơ ta không thể đọc rời từng chữ mà diễn tả được ý tác giả.
- Nếu chọn đơn vị nhỏ nhất là chữ, ta phải tạo được liên hệ từng hai chữ với nhau:
Đi ra / Thơ thẩn / đi vào / bâng khuâng
- Nếu chọn đơn vị là hai chữ, thì từng hai chữ một phải liên hệ với nhau tạo nên kết cấu tổng quát của câu thơ;
Đi ra thơ thẩn / đi vào bâng khuâng
- Nếu chọn đơn vị là bốn chữ, ta sẽ thấy từng 4 chữ liên hệ với nhau tạo nên tiết tấu tổng quát của câu thơ
Đi ra thơ thẩn/ đi vào bâng khuâng.
Hay những dẫn chứng sau đây cho ta nhiều mẫu thức khác nhau về tiết điệu của lời thơ:
1-1: Thuyền ơi! (có nhớ bến chăng?)
1-2: Một/ lời nói (quan tiền thúng thóc,..dùi đục cẳng tay)
2-2: Bống bống, bang bang
(Mày ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta)
2-2-2: Trăm năm / trong cõi/ người ta. (Nguyễn Du)
3-1-2: Mưa từ sáng/ đến/ chiều hôm (Xuân ly Băng)
3-2-2: Thờ phượng Chúa/ chắp tay/ quỳ gối (X L B)
2-2-2-2: Nhấp nhô/ là núi/ thanh nhàn/là mây.
3-2-3: Mẹ chết rồi?/ không đâu/ mẹ chưa chết (XLB)
3-3-2: Cho đoàn con/ được an bình/ Chúa ôi! (XLB)
4-4: Tâm tư đại lượng/ giãi bày lòng nhân. (XLB)
4-2-2: Có hiu hiu gió/ mỗi chiều/ mơn man. (XLB) v.v…
Như vậy, ta thấy có rất nhiều cách ngắt nhịp, tạo nên nhip điệu rất đa dạng. Tuy nhiên vẩn phải tôn trọng quy luật phát âm tự nhiên của con người: không ngắn quá để còn có thể nghe được, không dài quá vì còn phụ thuộc vào nhịp thở, chỗ ngắt để nghỉ khi thở. Ngoài ra cũng phải chú ý dến tiết điệu của lời ca và của dòng nhạc ăn nhập với nhau. Nếu không sẽ thành ngớ ngẩn, kì khôi, thí dụ:
"Này đoàn con/thiết tha/ cùng ca mừng" mà ngắt thành
"Này/ đoàn con thiết/ tha cùng ca mừng" thì không được.
Hoặc: "Xin ban xuống/ trần gian/ Đấng Cứu Tinh": thì đúng, nhưng khi hát lại là: "xin ban/ xuống trần/ gian Đấng Cứu Tinh", nghe rất ngượng.
Hoặc: "Hồn/ tôi lên/ tiếng ngợi/ khen Chúa": không hay lắm
Phải lưu ý đến những từ ghép (trần gian, ngợi khen, hạnh phúc, yêu thương, …) và những nhóm chữ (nguồn an vui, giờ linh thiêng, con tìm đến…) sao cho chúng không bị tiết điệu của dòng nhạc làm tách rời các thành phần.
Vì lời ca mang chất thơ, mà thơ cần phải có vần điệu. Do đó, ta cũng cần phải quan tâm về cách gieo vần của lời ca. Đây là nét đẹp dễ nhận ra nhất trong ca từ.
Trong thơ ca tiếng Việt, vần được quy định khá chặt chẽ. Quan niệm thông thường cho rằng thơ phải có vần, không có vần không phải là thơ. Nghiên cứu tục ngữ, ca dao và dân ca Việt Nam, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: "tục ngữ không nhất thiết vần vè, nhưng hai vế ở mỗi câu rất đối nhau: "no nên bụt, đói ra ma". Nhưng ở tục ngữ, những câu không vần vè là số ít, hầu hết đều có vần, và vần rất phong phú. Ở những câu tục ngữ ngắn, vần thường là vần lưng nghĩa là vần ở giữa câu:
- Bút sa, gà chết (4 chữ)
- Cơm treo, mèo nhịn đói (5 chữ)
- Một câu nhịn, chín câu lành (6 chữ)… đó là những câu vần lưng và vần sát. Nhưng cũng còn có những câu vần lưng, nhưng là vần cách (1 chữ, 2 chữ, 3 chữ…) cho đến thể lục bát thông thường". Về ca dao ông nhận xét: "đặc điểm của ca dao về phần hình thức là vần vừa sát lại vừa thanh thoát, không gò ép, lại giản dị và rất tươi tắn. Nó có vẻ như lời nói thường mà lại nhẹ nhàng, gọn gàng, chải chuốt, miêu tả được những tình cảm sâu sắc".
Qua nhận xét của Vũ Ngọc Phan, ta thấy: vần làm nổi bật yếu tố cảm giác, tao nên một độ vang nặng và dày, làm tăng sức biểu cảm của lời thơ, làm cho các câu gắn bó với nhau, khiến cho bài ca dễ hát, dễ nhớ; đồng thời giúp ta phân biệt nhiều cách gieo vần khác nhau.
- Các cách gieo vần:
- Về tính chất:
- Vần chính: vần khít khao: ta với ta; đến với mến
- Vần thông: không khít khao: phai với tươi; đây với mai.
- Về vị trí:
- Ở cuối (cước vận): một tình yêu bao la
Tháng năm lần lướt qua
Khúc ca thân ái còn trầm hòa"
(Kim Long)
- Ở giữa: (lưng vận hay yêu vận)
Kìa ai thiếu vỗ về người mẹ
Tháng ngày trôi lặng lẽ cô liêu
Về đây mẹ sẽ thương yêu
Về đây mẹ sẽ ban nhiều ơn thiêng
(Vinh Hạnh)
Ở đầu:
"Cháu ngoan cháu ngủ đi nhe
Me ra chợ bán chè bán rau"
(Tố Hữu)
(loại này rất hiếm)
- Khớp hoàn toàn:
- "Hương trúc đấy, thơm như hồn đất nước
Đi ta đi, đỉnh đèo kia, phía trước (Vũ Cao)
- "… và Chúa Cha hằng hữu
Với tình yêu vĩnh cửu
Của Ngôi Ba Thánh Thần
Cả một trời thiên ân.." (Xuân ly Băng)
- "Năm xưa trên cây sồi
Làng Fatima xa xôi"
- Không khớp hoàn toàn:
- "Chúa sẽ thanh luyện em
Chết đi con người cũ
Một người mới lớn lên
Trong hào quang rực rỡ " (Xuân Ly Băng)
- Trùng âm khác thanh (hỗn hợp bằng trắc)
- "Nhà lá đơn sơ
Tấm lòng rộng mơû" (Hoàng Trung Thông)
- "Hỡi triều thần từ trời cao xanh
Xin hòa ca theo lời chư thánh" (K. Long)
- " Từ biển bao la, tới rừng cây núi đá …
- Giống nguyên âm, khác phụ âm cuối:
- "Mưa làm ướt cả không gian
Mưa làm nở cả hoa tang đầy lòng"…
"Chìm trong bể khổ lệ đời mênh mang
Ai xin tôi một cung đàn …" (Xuân Ly Băng)
- Không giống nguyên âm, không giống phụ âm, nhưng có âm thanh gần nhau:
- "Và rạng đông đã hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc"
- "Mẹ chỉ bảo đàng lành
Đời em không lạc lõng
Có Chúa làm bạn tình
Không khi nào vỡ mộng" (Xuân Ly Băng)
Có người rất chú ý vần, có người lại không chú ý gieo vần, có người ưa dùng vần trắc, có người dùng vần bằng niều hơn. Trong việc đặt lời ca thì người ta gieo vần bằng nhiều hơn, vì vần thường ở vị trí cuối câu, mà nhạc lúc đó lại ngân dài nên vần bằng xứng hợp hơn. Ca từ của bài nhạc lệ thuộc vào câu của bài nhạc. Một ca khúc thường viết cân phương: 4 câu, 8 câu hay 16 câu. Dĩ nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ. Do đó vần thường được gieo ở chữ cuối mỗi câu. Có thể gieo vần liền hoặc vần cách:
- Vân liền:
"Xin cho nàng như mây trên ngàn như suối nồng nàn.
Có thương yêu nâng đỡ ủi an sắt son hiền ngoan
…Xin cho chàng như mây huy hoàng như sóng ngập tràn
Bước hiên ngang trên lối trần gian sống vui trọn đời"
(Phanxicô)
"Con thuyền trôi giữa khơi
màn đêm che kín khung trời
và cuồng phong cơn từng cơn xô tới
Tấm linh hồn thổn thức khôn vơi
Xin Mẹ dọi quang ánh soi đường, Mẹ ơi". (K. Long).
- Vần cách
"Tiến dâng trên bàn thờ
Rượu nho thơm hương cùng bánh miếng trắng tinh
Chúa khoan dung vô bờ
Đoàn con xin đoan nguyện yêu Chúa hết tình"
(Kim Long)
- Nếu lời ca được viết theo một thể loại thơ nào đó như: Thơ lục bát; song thất lục bát; thất ngôn, ngũ ngôn, tứ tuyệt … thì phải gieo vần theo qui tắc của loại thơ đó.
- Nên tránh lập lại y nguyên một từ (cho dù đồng âm khác nghĩa) để làm vần, như thế gọi là điệp vần, gây cảm giác nghèo nàn.
Thí dụ: "Xin cho con nghèo khó
Cuộc đời bao nguy khó" (Oanh Sông Lam)
- Việc gieo vần làm cho lời ca mang chất thơ, nhưng tránh gò ép, ý và cách diễn tả ý mới là chính. Nếu phải giữ cho lời được tự nhiên và đúng ý nghĩa mà phải hy sinh không gieo vần được, thì không cần gieo vần.
- Trong thơ thì vần bằng hợp với vần bằng, vần trắc hợp với vần trắc; nhưng trong nhạc, vì âm thanh có lúc trầm lúc bổng, nên có thể hòa hợp cả bằng và trắc.
"Còn mang thân thể nặng nề
Là còn luôn mê mải trần thế …" (Kim Long)
Để đạt đến nghệ thuật cao trong lời ca của bài nhạc, đòi hỏi người viết ca khúc phải nắm vững các thành phần cơ bản trong từng câu ca từ, những yếu tố tạo nên chất thơ, cách sắp xếp các câu ca từ với những câu khác, ở phần TK cũng như ĐK. Chẳng hạn: ý thơ và tứ thơ, hình tượng thơ ca; thanh dấu; ngữ âm v.v… Đây là những yếu tố chúng ta chưa đề cập đến. Nhưng thiết nghĩ những gì cần thiết nhất thì chúng ta đã bàn giải. Đó mới chỉ là kỹ thuật. Quan trọng là cảm xúc và tư duy sáng tạo độc đáo. Muốn thế chúng ta cần phải nghiên cứu những sáng tác chuẩn mực trong kho tàng thánh nhạc để làm phong phú thêm cảm xúc và tư duy của chúng ta.