Chương 2:

LÀM SAO ĐỂ THÁNH CA

CÓ THỂ GIÚP CẦU NGUYỆN

"Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa,
Kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.
Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm,
Kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.
Nào dâng Chúa một khúc tân ca,
Rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng"

(Tv 33,1-3).

 

Những lời thánh vịnh mời gọi ta tôn vinh Chúa với tất cả con người của ta bằng tiếng reo hò, bằng lời chúc tụng, bằng tiếng hát ca, bằng việc sử dụng những phương tiện nhạc cụ, trong sự đồng thanh nhất trí (Một khúc tân ca; rập tiếng hoan hô). Những lời mời gọi này gợi cho chúng ta mục đích của việc phụng tự là tôn vinh Chúa và thánh hóa tín hữu mà Đức Piô X đã đề ra. Mục đích của phụng vụ cũng chính là mục đích của ca hát (thánh nhạc). Mục đích đó chỉ đạt được khi ca hát thực sự là lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa; Khi nó được cộng đoàn hát lên để cầu nguyện và giúp người khác cùng cầu nguyện.

Phải ca hát thế nào để bài thánh ca có thể giúp cầu nguyện?

  1. Tâm tình và thái độ khi ca hát.
  2. Cộng đoàn phụng vụ.
  3. Lắng nghe và đáp lại Lời Chúa.
  4. Chức năng khác nhau của ca hát.
  5. Các bài hát trong thánh lễ.
  6. Sắp xếp bài ca.
  7. Vai trò ca đoàn.
  8. Sử dụng nhạc khí.
  1. TÂM TÌNH VÀ THÁI ĐỘ KHI CA HÁT:

Mỗi người ai cũng có khả năng và một trình độ ca hát nhất định. Có thể một mình tự diễn xướng là điều khó khăn. Nhưng khi hòa nhập vào cộng đoàn họ sẽ dễ dàng lên tiếng hát góp vào dòng ca của tập thể không nhiều thì ít với cả con người của họ. Người nghe có thể biết qua giọng hát với âm sắc riêng biệt tấm gương tâm hồn và tình cảm của riêng họ. Vẫn biết rằng giữa kỹ thuật thanh nhạc và tâm hồn người hát có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau (hành động thúc đẩy tâm tình, tâm tình hướng đến hành động), nhưng sức mạnh truyền cảm của tiếng hát thực chất ở nơi tâm hồn của người ca hát, những xúc cảm nội tâm của họ. Người ta có thể tự giải thích vì sao có những cộng đoàn kỹ thuật hát chưa cao, giọng hát chưa thật đều, hoặc chưa thật điêu luyện, mà khi hát lên lại lôi cuốn mọi người đến thế.

Vì vậy để tác động thực sự tới tâm hồn người hát cũng như người nghe, người ta cần phải mặc lấy những tâm tình ca tụng, tạ ơn, đền tội và cầu khẩn, xứng hợp với lời hát và với việc phụng vụ họ đang cử hành. Ca hát để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa cộng đoàn, Do đó chúng ta cần quan tâm:

  1. Vì thờ phượng trước hết và trên hết là cuộc gặp gỡ Thiên Chúa thánh thiện và hằng sống, nên lời ca tiếng hát phải được phát xuất từ một tâm tình và thái độ thành kính, sống động:

    Trước lệnh truyền của Chúa: "Chớ lại gần, cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh" (Xh 3,5). Môsê đã cởi dép và che mặt để nói lên sự bất xứng của mình trước nhan Thiên Chúa và tỏ thái độ tôn kính của mình. Mặc dầu Thiên Chúa là người bạn của ta, nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa tối cao của chúng ta. Nên ca hát một cách thiếu nghiêm trang, là tỏ ra thiếu kính trọng và chân thành. Và lời chúng ta hát không thánh thiện thì lại càng tỏ ra bất nhã. Nếu được mời hát trước Đức Thánh Cha hay một nguyên thủ quốc gia, chắc chắn chúng ta phải thể hiện tới mức toàn hảo có thể.

  2. Ca hát với tất cả con người và với sự tham dự tích cực của toàn thể cộng đoàn mới là ca hát đích thực:

    Thánh tông đồ dạy: "Hãy cùng nhau xướng đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và những bài ca do Thánh Thần linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Thật vậy, ca hát là hành vi của con người toàn diện giữa một cộng đoàn phụng tự. Mỗi cá nhân phải đem cả tâm hồn để hát chứ không phải chỉ bằng môi miệng. Cả cộng đoàn cũng đều phải hát, đừng để một ai bị loại trừ, vì bất cứ một lý do nào. Lấy lại lời dạy trên của Thánh Phaolô, Hiến Chế Phụng vụ mong muốn cộng đoàn "Tham dự các việc cử hành phụng vụ (trong đó có ca hát) cách trọn vẹn, ý thức và linh động".

    Xưa kia, anh em tín hữu đã thm dự phụng vụ tích cực. Ai nấy giữ vai trò của mình. Cử hành phụng vụ luôn có tính cộng đoàn. Sách giáo lý toàn cầu ghi nhận: "những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đọc lại sách Thánh vịnh trong cách nhìn mới, để ca ngợi mầu nhiệm của Đức Kitô ẩn tàng trong đó. Dưới ánh sáng mới của Thánh Thần, học cũng sáng tác những thánh thi và thánh ca về biến cố khôn dò Thiên Chúa đã thực hiện nơi Chúa Con"; "Sách Khải Huyền … đầy dẫy những bài thánh ca của phụng vụ trên trời… Hiệp thông với các Ngài (các ngôn sứ và các thánh nhân) Hội Thánh tại thế cũng hát lên những bài hát thánh ca này trong đức tin…"

    Ngày nay, sau cuộc canh tân Phụng vụ, Giáo Hội đã có sáng kiến trở về nguồn, về truyền thống và xem việc tham dự tích cực bằng ca hát vào việc cử hành là điều không thể thiếu của tinh thần Kitô giáo đích thực. Đức Piô XI trong Tông Hiến "Sự thờ phượng Thiên Chúa" đã nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của việc tham dự tích cực: "Để cho giáo dân tham dự việc phụng thờ Thiên Chúa cách linh động hơn, ta truyền lấy lại nhạc Ghê – gô – ri – ô vẫn quen sử dụng trong dân chúng. Thực ra, rất cần thiết để vẻ đẹp của Phụng vụ lôi cuốn được các tín hữu và do đó sẽ tham dự nghi lễ thánh không phải như những người ngoài cuộc, những khán giả câm nín, nhưng họ phải được đối đáp với linh mục hay ca đoàn theo như luật định".

    Chúng ta còn nhớ trong thời Cựu Ước, sách Lê – vi 7,28-38 dạy rằng: "… Đó là luật về lễ toàn thiêu, lễ phẩm, lễ tạ tội, lễ đền tội, lễ trao quyền và hy lễ kỳ an; luật đó Đức Chúa đã tuyền cho ông Môsê trên núi Xi-nai, trong ngày Người truyền cho con cái Ít – ra – en dâng Đức Chúa các lễ tiến của họ trong sa mạc Xi-nai". Điều này cho ta thấy Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài rất nhiều nghi lễ và luật lệ kèm theo. Ngày nay với chu kỳ Phụng vụ hàng năm, Giáo Hội cũng cử hành mầu nhiệm của Đức kitô, từ cuộc Nhập Thể (Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh) Tử nạn chiến thắng sự chết, Phục Sinh và Lên Trời (Mùa Chay và Phục Sinh) ngự bên hữu Thiên Chúa, các lễ mùa thường niên. Vì "kỳ công" đặc biệt này của công trình cứu độ, các tính hữu dâng lên lời vinh tụng ca để ca ngợi Thiên Chúa. Tất cả những nghi thức, lễ nghi này được qui định là những phương thế dạy cho dân Chúa những bài học giá trị. Thế nhưng thời gian qua, cũng như dân Ít – ra – en xưa, quen quá hóa nhàm, người tín hữu hôm nay cũng vậy, họ trở nên dửng dưng với việc hát thánh ca trong các nghi lễ Phụng vụ.

    Do đó Giáo Hội nhắc nhở việc tham dự Phụng vụ tích cực, ý thức và trọn vẹn – cụ thể là từng thành phần và cả cộng đoàn cùng hát - là một quyền lợi và bổn phận, nhưng cũng là một đòi hỏi của bản chất Phụng vụ. "Mẹ Hội Thánh tha thiết mong ước toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự vào việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính Phụng vụ đòi hỏi, lại nữa nhờ bí tích Thánh Tẩy, việc tham dự Phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phân của dân Kitô giáo, "là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, là dân riêng của Thiên Chúa" (1 Pr 2,9 x.2,4-5)".

    Nói chung, hành động phụng vụ là một dấu chỉ, nhờ đó đức tin đạt tới mầu nhiệm mà phụng vụ cử hành. Vì thế, hành đông phụng vụ đòi hỏi các tín hữu phải tập trung chú ý, lòng trí phải hòa hợp với lời ca tiếng hát. Mỗi lần ca hát khi cử hành phụng vụ chúng ta hãy cố tái khám phá ý nghĩa ban đầu và mục đích ẩn tàng nơi từng nghi thức, từng bài hát, từng lời ca, nghĩa là chỉ thực sự là ca hát khi chúng ta – từng con người toàn diện và cả cộng đoàn đồng thanh – tích cực và hiểu được "tham gia ca hát" là gì. Có như thế việc ca hát mới đem lại sức sống mới.

  3. Sức sống mới mà ca hát mang lại là hệ quả trực tiếp của sự chuẩn bị chu đáo:

Như chúng ta đã biết, trong cử hành phụng vụ chính tập thể đang hội họp là "Chủ thể". Tập thể đó được triệu tập và được liên kết lại bởi, trong và vì Đức Kitô Phục Sinh. Thông thường tập thể hay cộng đoàn phụng vụ bao gồm: Chủ tế, thừa tác vụ nói chung, người đọc sách, người phục vụ bàn thờ và chủ tế, thừa tác phục vụ dân chúng, ca đoàn, nhạc sĩ, nhạc công. Ai cũng có nhiệm vụ của mình và phải lo làm tròn công việc thuộc về mình. Chung qui, trong thánh lễ có những nhiệm vụ và thừa tác vụ của những người có chức thánh và những nhiệm vụ của dân Chúa. Những nhiệm vụ này đòi hỏi mọi người phải có trách nhiệm, hoặc về nghi thức, hoặc về mục vụ và âm nhạc, phải đồng tâm nhất trí với nhau để cuẩn bị cách thiết thực cho việc cử hành phụng vụ, dưới dự điều khiển của vị quản thủ thánh đường (cha chính xứ). Trong những gì trực tiếp liên quan đến giáo dân, cũng phải nghe ý kiến của họ.

Đối với việc ca hát, Giáo Hội mời gọi những anh chị em trong ca đoàn phải ý thức rằng: "Giữa các tín hữu, ca đoàn có phần việc của họ trong phụng vụ, họ phải lo chu toàn các phần việc riêng của họ, tùy theo các loại bài hát khác nhau; họ phải giúp cho giáo dân tham dự cách linh động vào việc ca hát". Những điều Giáo Hội yêu cầu ca đoàn thực hiện, cũng có giá trị đối với các nhạc công khác, nhất là đối với người sử dụng phong cầm, trừ những gì phải giữ riêng. Giáo Hội mong muốn có ca viên hay ca trưởng để điều khiển và yểm trợ giáo dân khi họ hát. Hơn nữa, nếu không có ca đoàn, ca viên sẽ điều khiển các bài hát, còn giáo dân sẽ tùy phần việc của mình mà tham dự.

Sở dĩ phải có sự chuẩn bị chu đáo cho việc ca hát trong thánh lễ, bởi vì ca hát có một tầm quan trọng trong phụng vụ và trong cộng đoàn. Có coi trọng ca hát thì mới coi trọng thánh lễ cử hành giữa cộng đồng, nhất là cộng đồng giáo xứ, vì cộng đồng tượng trưng cho Hội Thánh phổ quát, ở một thời gian và không gian nhất định, đặc biệt trong lễ cộng đồng ngày Chúa Nhật. Vì thế, ngay cả ở những cộng đồng tu viện, Giáo Hội khuyên cũng nên hát trong thánh lễ.

Trong thực tế, ai cũng đều phải công nhận bất cứ công việc gì càng được chuẩn bị chu đáo thì càng đạt kết quả tốt đẹp; Sự phân công phân nhiệm càng rõ ràng cụ thể thì việc tổ chức càng chặt chẽ và nhịp nhàng. Muốn tụ được sức sống mới, nghĩa là "lãnh nhận các hiệu quả dồi dào hơn", các thành phần của cộng đoàn phụng vụ cùng cộng tác với ca đoàn để:

Về phía ca đoàn, để giúp cho cộng đoàn đạt được những hiệu quả của hy lễ tạ ơn, tạo được sức sống mới cho tập thể, những người có trách nhiệm lo ca hát trong thánh lễ Chủ nhật phải chuẩn bị:

Đọc lại Dân số 28,1-8, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự cần thiết của việc chuẩn bị tâm tình và thái độ ca hát: "Đức Chúa phán với ông Môsê: "Hãy ra lệnh cho con cái Ít – ra – en, và nói với chúng lời của Ta: vào đúng thời, đúng buổi, các ngươi sẽ chăm lo dâng lên Ta lễ vật, lương thực, dưới hình thức hỏa tế nghi ngút hương thơm, làm thỏa lòng Ta". Các lễ vật phải được đem đến theo đúng luật và được tiến dâng theo như các nghi lễ điễn tả dưới sự giám sát của các tư tế. Theo như những nghi lễ này thì phải đúng kỳ hạn, nhờ vậy dân chúng có cơ hội chuẩn bị tâm hồn cho việc phụng tự. Nếu tâm hồn chưa sẵn sàng, thì việc thờ phượng sẽ vô nghĩa.

Phụng vụ trong đời sống Giáo Hội diễn tiến theo chu kỳ: Năm phụng vụ và niên lịch, không thay đổi; Thánh lễ là một cấu trúc đồng bộ và ăn khớp chặt chẽ với nhau từng phần… Vì thế, không có trở ngại gì cho tiến trình chuẩn bị ca hát trước khi và đang khi cử hành phụng vụ, nhất là cử hành ngày lễ quan trọng nhất: Chúa Nhật.

Chắc chắn Thiên Chúa sẽ vui thích và cộng đoàn sẽ vui mừng hơn mỗi khi chúng ta chuẩn bị chu đáo cho việc ca hát, và đã dọn tâm hồn sẵn sàng đến trước nhan Thánh Chúa cùng với lời ca tiếng hát biểu lộ tâm tình thờ lạy, ngợi khen, chúc tụng và cám tạ.

  1. Tận dụng mỗi cơ hội ta có để thờ phượng, ca hát chúc tụng Chúa:

Thánh vịnh 92 (91) viết:

"Thú vị thay được tạ ơn Chúa,
Được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
Được tuyên xưng tình thương của Ngài ngay từ buổi sớm,
Và lòng thành tín hữu của Ngài suốt canh khuya,
Hòa điệu sắt cầm gieo trầm bổng,
Nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà."

Lời của tác giả thánh thi, thánh vịnh này phải là lời ca hát của ta. Bởi vì chúng ta là thụ tạo được Chúa dựng nên vượt lên trên mọi thụ tạo khác và chỉ thua kém các thiên thần một ít (Tv. 8), do đó chúng ta được mời gọi cất cao lời chúc tụng hát ca, như Tv. 150 kêu gọi:

"Ha – lê – lui – a!
Ca tụng Chúa đi, trong đền thánh Chúa,
Ca tụng Người chốn cao thẳm uy linh.
Ca tụng Chúa vì công trình hùng vĩ,
Ca tụng Người lẫm liệt uy phong.
Ca tụng Chúa đi, râïp theo tiếng tù và,
Ca tụng Người, họa tiếng cầm tiếng sắt.
Ca tụng Chúa, bằng vũ điệu trống đưa,
Ca tụng Người, theo cung đàn nhịp sáo.
Ca tụng Chúa đi, với chũm chọe vang rền,
Ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi.
Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!
Ha – lê – lui – a!"

Như vậy, không chỉ lời ca tiếng hát mà kinh thánh còn lưu tâm chúng ta sử dụng mọi nhạc khí để thờ phượng Chúa. Việc thờ phượng này không chỉ là một hành động liên tục của con người mà nó còn được thể hiện một cách nổi bật hơn trong những dịp và những hoàn cảnh đặc biệt.

"Reo lên mừng Thiên Chúa, Đấng trợ lực chúng ta!
Hò vang dậy đi nào kính Chúa Nhà Gia-cóp!
Đàn hát lên nào, hòa nhịp trống cơm,
Bổng trầm gieo tiếng cầm tiếng sắt.
Rúc lên đi, hãy rúc tù và,
Mồng một ngày rằm cho ta mừng lễ"

Ở đây tác giả thánh vịnh nhấn mạnh đến ngày rằm tháng chín, kỷ niệm thời sa mạc và ngày đón nhận Lề Luật tại núi Xinai. Điều này muốn nói với chúng ta: Hãy đi thờ phượng Chúa mọi nơi mọi lúc, hãy cố gắng tận dụng mọi thánh lễ Chúa Nhật để ca hát cầu nguyện.

Trong Thánh Kinh, ca hát được nhắc đến nhiều lần, thường liên quan đến việc thờ phượng và tạ ơn. Qua cả ba cách thức tôn thờ Thiên Chúa chúng ta vừa nêu, thực sự làm vinh Danh Chúa và hưởng được niềm an vui thực sự trong Ngài.

Nhưng việc ca hát chỉ trở thành việc thờ phượng đích thực khi chúng ta cử hành trong thần khí và sự thật. Thánh Phaolô dạy chúng ta: "Vậy nhờ Người (Đức Kitô), chúng ta hãy luôn luôn dùng lời ngợi khen làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa, tức là dùng miệng lưỡi mà ca tụng Danh Thánh" và "hãy thấm nhuần Thần Khí… trong mọi hoàn cảnh và mọi sự… mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha". Như vậy chúng ta muốn tận dụng từng cơ hội để ca hát thờ phượng Chúa, chúng ta phải có ơn Chúa giúp. Ơn Chúa Thánh Thần là quà tặng tuyệt vời Chúa Giêsu ban cho chúng ta để Ngài ở trong chúng ta và tạo thần lực cho chúng ta. Ngài là sức mạnh kiên cường, niềm khích lệ, nỗi vui mừng khôn tả, niềm hy vọng chan chứa, nội lực thâm hậu và nguồn suối yêu thương làm cho chúng ta chủ động phục vụ trong ca hát phụng thờ.

Thế nhưng trên thực tế, cộng đoàn phụng vụ chưa đáp ứng đúng và tận dụng hiệu quả ca hát trong mục vụ thờ phượng Thiên Chúa. Bởi vì rất ít giáo dân hiểu được ý nghĩa và tầm mức quan trọng của việc ca hát mỗi khi tham dự thánh lễ, để trôi qua những cơ hội một cách vô ích. Nếu chúng ta ý thức hiện nay Giáo Hội mở rộng rất nhiều cơ hội qua những cử hành phụng vụ để chúng ta tận dụng mà cảm tạ Chúa vì những ơn lành Chúa đã thương ban.

Một năm phụng vụ là một năm tràn đầy lễ hội, trong bầu khí ngập tràn tiếng hát, giúp chúng ta suy niệm về lịch sử cứu độ. Đó cũng là thời gian vui mừng và bồi dưỡng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng, cho việc củng cố đức tin, đức cậy và đức mến. Chẳng hạn, vào dịp lễ Giáng Sinh, những bài thánh ca êm đềm réo rắt đã giúp gì cho chúng ta sống mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta, hay chúng ta ca hát một cách máy móc, đang khi tâm trí bị ám ảnh bởi những món quà Giáng Sinh, những cánh thiệp "Merry Christmas". Lễ Vọng Phục Sinh, với bài thánh thi Exultet, một công thức công bố Tin Mừng Phục Sinh của phụng vụ, được thừa tác viên Giáo Hội hát lên một cách long trọng và cảm động, bài ca đầy chất trữ tình và thần học có làm ta vui mừng thực sự, đang khi tai nghe Lời công bố và mắt nhìn CÂY NẾN PHỤC SINH (tượng trưng cho Đức Kitô sống lại khải hoàn). Âm thanh và ánh sáng có được chúng ta đón nhận và sống trong mầu nhiệm đang được công bố? Hay lúc đó chúng ta chỉ lo nghĩ đến một mùa xuân hè ấm áp, vui chơi (vacation). Hoặc ngày Lễ Tạ Ơn, khi tấu lên bài ca cảm tạ, chúng ta nghĩ gì về "Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả"; hay chúng ta đã không tận dụng cơ hội quí báu đó vì đang phải bận tâm đến bữa tiệc thịnh soạn.

Để giúp chúng ta tận dụng được những giây phút cùng với cộng đoàn gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong việc cử hành phụng vụ, nhất là thánh lễ, chúng ta phải xác tín việc ca hát phụng thờ, chúc tụng Chúa có tầm quan trọng, vì:

  1. Nhờ ca hát, niềm tin của chúng ta được kiên cường (x. St 50, 21).
  2. Nhờ ca hát, Thiên Chúa đến hiện diện ngập tràn trong cuộc đời chúng ta (x. Tv 21,4; Tv 22,4).
  3. Nhờ ca hát, Thiên Chúa làm cho ta được mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh. (x 2 Sb 20,21-23).
  4. Nhờ ca hát, chúng ta được lớn lên trong ơn thánh của Chúa, (x. Rm 8,28; và: "Toute est grace") minh chứng niềm vui tâm hồn (Gc 5,13).
  5. Nhờ ca hát, chúng ta cảm nghiệm được Chúa Giêsu là lẽ sống của mình. Vì Đức Ki – tô – Lời – Ca – Muôn – Thuở là "nguồn sống của chúng ta" (Cl 3,4); khi ca hát Lời Chúa, chúng ta xác quyết: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức kitô sống trong tôi".
  6. Nhờ ca hát phụng vụ, chúng ta chứng minh Thiên Chúa hiện diện và hành động trong một xã hội tục hóa. Những lời ca phát xuất từ Thánh Kinh và kinh nguyện phụng vụ sẽ giúp chúng ta vượt lên trên và thắng được các giá trị trần thế, làm cho người khác nhìn ra được tình yêu thương và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang tác động trên cuộc sống và các hoạt động của họ: "Tất cả mọi sự đều thuộc về Ngài, bởi Ngài và cho Ngài. Vinh quang thuộc về Ngài đến muôn đời. Amen." (Rm 11,33-36).
  7. Ca hát để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
  1. Ca hát là dâng lên Chúa những gì tốt đẹp nhất của chúng ta:

    Tự bản chất âm nhạc là cái đẹp (nghệ thuật) mà con người sử dụng để diễn tả tâm tư tình cảm, và hơn nữa cái khôn tả, cái vô hình… Trong phụng vụ âm nhạc chẳng những mặc hình thức tốt nhất mà nó phải còn có một hình thức và nội dung thánh thiện để có thể giúp cầu nguyện. Vì thế, khi ca hát là lúc chúng ta muốn thể hiện những gì tốt đẹp nhất, cao quý nhất của con người chúng ta trong cử hành phụng vụ: thờ phượng và ngợi khen Chúa.

    Trong lịch sử cứu độ, Kinh Thánh đã nhiều lần nhấn mạnh đến thái độ dâng hiến này.

    "Lúc đó, Đức Giêsu đang ở trong làng Bêtania, tại nhà ông Simon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng bạch nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người".

    Hay các nhà chiêm tinh, dù chưa được nghe lời Chúa dạy: "Phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi", nhưng "khi vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người; rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến".

    Ca hát để thờ phượng Chúa chính là đem đến dâng Chúa những gì sở hữu đáng giá nhất của chúng ta, trái tim chúng ta, như người phụ nữ, như ba nhà chiêm tinh, chúng ta ca hát phải được coi như một lần xức dầu thơm cho Chúa, như một lần chúng ta mở ra lấy "Vàng, nhũ hương và mộc dược" là những khả năng, tâm hồn, tâm trí và tài nghệ để tiến dâng Chúa.

    Thiên Chúa trông đợi chúng ta thờ phượng Ngài không phải vì Ngài thích nghe chúng ta ca hát chúc tụng Ngài, nhưng vì Ngài yêu thương chúng ta. Đáp lại như các nhân vật trên, các ngài biết Đức Giêsu là ai nên đã bái lạy, cung kính, chúng ta dâng tiến Chúa những gì tốt đẹp nhất trong kho tàng thánh nhạc mà chúng ta có, hoặc chúng ta sáng tác những cung điệu hay nhất để ca ngợi Chúa là Đấng Toàn Mỹ.

  2. Ca hát chân thành dẫn đến sự vâng phục Thiên Chúa:

Có hai khía cạnh phải quan tâm khi bàn về sự ca hát chân thành.

  1. Ca hát chân thành là chỉ ca hát những gì Hội Thánh cho hát:

    Hội Thánh luôn đề cao vai trò ca hát trong phụng vụ và khuyến khích các cử hành phụng vụ phải vang lên lời ca hát của cộng đoàn. Nhưng phải là âm nhạc đi liền với lời kinh, kết thành một phần cần thiết hoặc kiện toàn của phụng vụ… bởi vì Thánh nhạc càng liên kết với phụng vụ thì càng trở thành một thứ nhạc thánh hơn, đem lại hiệu năng cần thiết, vì nó phát biểu lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn.

    Do đó, Hội Thánh có bổn phận và trách nhiệm chỉ dậy, hướng dẫn tín hữu thực thi đúng ý muốn của Thiên Chúa, là bảo toàn nghi thức của nhà Chúa, nơi cử hành những nhiệm tích cao cả của Hội Thánh và ở đó cộng đoàn tín hữu sum họp để lãnh nhận ân sủng các bí tích. Trải qua bao đời, mối bận tâm chính của Hội Thánh vẫn là bảo toàn sự thánh thiện của ca hát trong phụng vụ.

    Nên ca hát chân thành là ca hát theo đường hướng chỉ dạy của Hội Thánh là Mẹ và Thầy. Những chỉ dẫn này được Hội Thánh truyền đạt qua các văn kiện của các Công đồng chung, các thông điệp, các tông thư của Đức Giáo Hoàng, hay các huấn thị của Thánh Bộ Phụng Tự. Huấn quyền này Hội Thánh nhận được từ Đức Kitô để tiếp tục công cuộc cứu chuộc của Ngài. Vì thế cần phải lưu tâm đặc biệt những gì Hội Thánh đã truyền dạy trong việc sử dụng âm nhạc trong phụng vụ. Có như thế ca hát chân thành là hoạt động thể hiện sự vâng phục Thiên Chúa ngay lúc cử hành phụng vụ.

  2. Ca hát chân thành là sống và quyết tâm sống vâng phục Thiên Chúa:

Khơi nguồn từ Lời Chúa, từ kinh nguyện phụng vụ hay từ những tâm tình đạo đức, các bài ca phụng vụ đã được viết ra hay được hát lên với mục đích tôn vinh Chúa và thánh hóa tín hữu. Vì thế ca hát chân thành chỉ có được khi:

Do đó muốn ca hát cần phải có đức tin và nhất là sống đức tin: đây là điều kiện căn bản của những người dự phần vào nghệ thuật tôn giáo nói chung, nghệ thuật thánh nhạc nói riêng. Giáo Hội còn muốn "Các ca sĩ, các nhạc sĩ… khi được trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào phụng vụ thánh, thì trước tiên họ phải có một đời sống Kitô giáo gương mẫu hơn các tín hữu khác". Và qua sự vâng phục, họ trở nên những thừa tác viên của Đức Kitô, là những cộng sự viên của Người trong việc tông đồ.

Chớ gì lời Chúa phán: "các ngươi hãy vâng nghe lời Người (Mt 17,5)" được chúng ta đáp lại cách chân thành, để khi lời ca được hát lên sẽ là ý lực sống cho mỗi ngày. Bài hát chỉ hay, chỉ lôi kéo được người khác đi vào cầu nguyện thực sự, khi người hát và người nghe đã cố gắng chu toàn thánh ý Chúa trong cuộc sống.

Tất cả những tâm tình chân thành này cốt yếu hệ tại ở bên trong, nhưng vì con người gồm cả hồn và xác, nên khi ca hát các tâm tình bên trong ấy được biểu lộ ra bên ngoài, và rồi những lời ca tiếng hát thể hiện bên ngoài ấy sẽ gia tăng những tâm tình bên trong. Ca hát có tâm tình (hát có hồn) và thái độ chân thành luôn luôn phải có trước khi, đang khi và sau khi diễn xướng sẽ kết thành lời cầu nguyện đích thực và liên lỉ.

Lời cầu nguyện này càng đạt tới sự hoàn thiện hơn khi lời cầu nguyện này lại chính là lời cầu nguyện chung của cả cộng đoàn phụng vụ, của Giáo Hội: cộng đoàn phụng vụ qui tụ do ý muốn triệu tập của Thiên Chúa.

  1. CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ:

2.1. Thiên Chúa không muốn cứu rỗi từng người riêng leû, nhưng muốn tụ họp tất cả trong một cộng đoàn. Là một thực tại cốt yếu của phụng vụ, cộng đoàn phụng vụ là một cuộc họp mặt dân Chúa do Thiên Chúa qui tụ đối diện với Người để cử hành giao ước. Do đó ta phải quan tâm đến chính cộng đoàn phụng vụ, như Công Đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh. Công đồng viết: "Các hành động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội, là "Bí tích hiệp nhất" nghĩa là dân thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám mục". Vì thế "khi các lễ nghi, tùy theo bản chất riêng tư của chúng, được cử hành chung với sự đông đảo và linh hoạt của giáo dân, thì nên nhớ rằng phải luôn qúy chuộng việc cử hành cộng đồng hơn việc cử hành đơn độc và riêng rẽ". Qua đó chúng ta thấy phụng vụ không có tính cá nhân, nhưng toàn dân đồng thực hành và diễn tả thực tại sâu xa nhất của mình "bí tích hợp nhất". Cộng đoàn phụng vụ là một cuộc tham dự vào sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, theo một công thức khác của thánh Cypriano về Hội Thánh: "Dân đã được hiệp nhất do chính sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Nếu cộng đoàn phụng vụ mang tính chất sinh động như thế là vì mọi người đạt tới sự hiệp thông với nhau; có sự trao đổi hỗ tương thân mật và trong sáng, không còn phân biệt "tôi" và "anh" trong đối thoại, mà là "chúng tôi", "chúng ta", "chúng con". Quả thật, tất cả các công thức phụng vụ đều được điễn tả ở số nhiều.

2.2. Vì thế khi sử dụng các bài ca cần phải để ý nội dung có tính cách tập thể hơn là cá nhân, cách xưng hô "chúng con", "chúng ta" v.v…. hơn là "con" hoặc "tôi". Đôi khi ta bắt gặp một vài bài mang cách xưng hô: con, tôi,… nhưng thực ra là "con, tôi" trong ý nghĩa của tập thể".

2.3. Cộng đoàn gồm nhiều thành phần khác nhau:

Những đặc điểm trên đòi hỏi việc chọn bài hát phải phù hợp với cộng đoàn, phải theo ý cộng đoàn và phải loại bỏ tất cả những gì gọi là cá nhân chủ nghĩa, hoặc đề cao một vài cá nhân nào qua tác phẩm được trình bày.

2.4. Ngoài ra, xét theo quan điểm xã hội học, cộng đoàn còn có thể phân biệt các nhóm nhỏ, các nhóm đặc thù

Trong số các nhóm trên, chúng ta cần phải lưu ý đến các nhóm thiếu nhi và giới trẻ. Theo kinh nghiệm mục vụ phụng vụ hiện nay nhiều giáo xứ đã tổ chức thánh lễ cho thiếu nhi, thánh lễ dành cho giới trẻ. Những thánh lễ này, vì lý do giáo huấn, vì cần hợp tâm lý, cảm xúc và bước tiến của đức tin theo lứa tuổi, cần được quan tâm cách đặc biệt, nhất là chọn bài hát sao cho phù hợp với việc thúc đẩy cầu nguyện. Khi chọn bài hát, cộng đoàn là ưu tiên, phải là nhạc của họ, không phải nhạc do chuyên viên, mặc dù vì âm nhạc mà họ làm mà vì cái mà họ nghe.

Nói chung khi chọn bài hát cần phải thích nghi và phù hợp với cộng đoàn tham dự. Nếu không sẽ xảy ra một số tình huống khó hiểu:

2.5. Từ những lý chứng trên đây, chúng ta có thể mạnh mẽ nói rằng chính cộng đoàn đang hội họp là "chủ thể" của việc cử hành phụng vụ, nhất là Thánh Thể (câu trích dẫn từ tài liệu của Hội Đồng Giám Mục Pháp họp tại Lộ Đức năm 1973). Do đó thiếu cộng đoàn, không có phụng vụ. Bởi vậy, cần phải đề cao vai trò cộng đoàn trong phụng vụ bằng cách gây ý thức và tạo điều kiện để mọi người tham dự tích cực vào phụng vụ.

Các văn kiện Giáo Hội đã dùng nhiều cách nói để mô tả sự tham dự tích cực, tức linh động của giáo dân.

Việc tham dự tích cực, ý thức và trọn vẹn là một quyền lợi và bổn phận của tín hữu, nhưng cũng là một đòi hỏi của bản chất Phụng vụ như Hiến chế Phụng vụ viết: "Mẹ Hội Thánh tha thiết mong ước toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động. Việc tham dự ấy do chính bản tính của phụng vụ đòi hỏi; lại nữa, nhờ phép rửa tội, việc tham dự phụng vụ trở thành quyền lợi và bổn phận của dân Kitô giáo, "là dòng giống được tuyển chọn, là tư tế vương giả, là dân thánh, là dân riêng của Thiên Chúa" (HCPV số 14).

Chính vì muốn toàn thể cộng đoàn tham dự cách tích cực và sinh động vào việc cử hành phụng vụ mà những lời tung hô, những câu đối đáp và đặc biệt Thánh vịnh Đáp ca được đưa vào nghi thức thánh lễ.

2.6. tham dự tích cực là điều cần thiết để cộng đồng xây dựng Giáo Hội:

Thánh Phaolô dạy: "Vậy thưa anh em, phải kết luận thế nào? Khi anh em hội họp, người thì hát thánh ca, người thì giảng dạy, người thì nói lời mặc khải, người thì nói tiếng lạ, người thì giải nghĩa: tất cả những điều ấy đều phải nhằm xây dựng Hội Thánh" (1 Cr 14,26). Nguyên tắc "Mọi phận việc được thực hiện trong phụng vụ của cộng đoàn phải sinh ích lợi cho mọi người tham dự" ảnh hưởng đến mọi phạm vi: ca hát, giảng dạy, thi hành những ân huệ của Thánh Thần. Những đóng góp cho hoạt động phụng vụ (như ca hát, người hướng dẫn, người đọc sách…) phải phát xuất từ tình mến như là động lực chính của mình, để chỉ nói lên những lời hữu ích, hay để tham dự cách nào đó có thể tăng cường đức tin nơi người khác. Vì thế, trong phụng vụ, mọi phần việc phải được thực hiện trong sự hài hòa và trật tự. Ngay cả khi những ân huệ của Thánh Thần đang thể hiện, thì cũng không miễn trừ sự mất trật tự.

  1. LẮNG NGHE VÀ ĐÁP LỜI THIÊN CHÚA:

Một khi toàn thể tín hữu tham dự ý thức, tích cực và trọn vẹn, họ sẽ được Thánh Thần hợp nhất. Sự hợp nhất này được cảm nghiệm và biểu lộ khi các tính hữu lắng nghe lời Thiên Chúa với tâm hồn cởi mở, đáp lời Chúa với trọn vẹn niềm tin cậy mến, kết hợp lời cầu của mình với lời cầu nguyện của chủ tế, tham gia đối đáp, hát ca, tung hô và nhất là khi dâng lễ phẩm và hiệp lễ. Như vậy toàn bộ phụng vụ Kitô giáo là một cuộc đối thoại liên lỉ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa nói với con người qua Thánh Kinh nhất là Lời của Thiên Chúa, là Lời Nhập thể: Đức Kitô, và con người cũng đáp lại lời Chúa bằng chính lời của Ngài. Vì thế "Trong việc cử hành phụng vụ, Thánh Kinh giữ vai trò tối quan trọng. Thực vậy, người ta trích từ Thánh Kinh những bài để đọc, để dẫn giải trong bài giảng, cũng như những thánh vịnh để hát. Chính nhờ nguồn cảm hứng và sức phấn khởi của Thánh Kinh mà xuất phát những lời kinh, lời nguyện và những bài phụng ca, đồng thời những hành động và các biểu hiệu trở thành có ý nghĩa". Khi ấy, Thánh Kinh và đời sống gặp nhau, sẽ vọt lên lời cho hôm nay, Lời đã sinh hoa kết trái. Hiệu năng này lại càng tăng lên khi sử dụng lời ca và âm nhạc. Vì lời ca sẽ:

  1. Lắng nghe Lời Chúa:

    Lời Chúa và Thánh Thể là hai phần cốt yếu của phụng vụ. Thánh thể là trọng tâm và tuyệt đỉnh của toàn thể đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Nhưng chỉ có cộng đoàn cử hành hy tế Tạ ơn khi cộng đoàn được Lời Chúa triệu tập, được Đức kitô khai sinh, như Công Đồng Vatican II đã dạy: "Cộng đoàn được tụ họp nhờ sự rao giảng Phúc âm của Chúa Kitô, nhờ lời Thiên Chúa hằng sống, trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn". Vì thế, nguyên lý hướng dẫn cộng đoàn chính là Lời của Thiên Chúa được loan báo.

    Lời được lao báo phải được công bố to tiếng. Mức tốt nhất để Lời được mọi người lắng nghe là Lời được hát lên, hoặc đọc với giọng hát. Ngày xưa các cộng đoàn vẫn làm thế, bởi vì theo quan niệm chung lời nói thường không được coi là xứng để loan báo Lời của Chúa cho các tín hữu. Phải đọc lời của Thiên Chúa "với giọng xứng đáng". Một câu cách ngôn Do Thái dạy rằng: "Ai đọc sách Thánh Kinh mà không hát theo điệu "ca kể truyện", thì nó là một kẻ ngoại đạo" (điệu ca kể truyện có đủ yếu tố của ca nhạc: nhịp và giọng).

    Xin đưa ra một vài thí dụ về cung đọc Bài Đọc và Bài Phúc Âm dành cho bản văn tiếng La Tinh trong Sách Hát Bình Ca (Paroissien Romain) trang 104 – 107:

     

  2. Đáp lại Lời Chúa:

"Cũng như với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa có kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó" (Is 55,10-11)

Không xét đến mặt nhân cách hóa mà Isaia muốn nói (lời hóa thành một sứ giả, sứ giả này trở về, sau khi đã hoàn thành sứ mệnh) mà ta chỉ xét đến kết quả của lời được loan báo phải đạt được nơi cộng đoàn: kết quả của sự trở lại, của đức tin, hợp nhất, và ca tụng tạ ơn.

Sự phong phú vô cùng của Lời Chúa mà mọi người vừa nghe, đòi hỏi phải được tiếp nối bằng lời giải thích và sự suy gẫm. Sự giải thích có hình thức một bài "diễn giải Lời Chúa". Ngoài cách diễn giải đơn sơ, còn có truyền thống về các bài diễn giải "trữ tình", bắt đầu từ Méliton de Sardes (thế kỷ II) và phát triển mạnh với thánh Ephrem thành Edessa (thế kỷ IV), gồm bài ca nhiều câu của người giảng, và những câu hát điệp khúc của cộng đoàn . Hình thức diễn giải này ngày nay còn được một số linh mục sử dụng có thích nghi (dùng 1, 2 bài hát đang khi giảng, nhất là trong các thánh lễ dành cho thiếu nhi).

Nhưng chính sự suy gẫm mới giúp cho Lời sinh hoa kết quả. Dân lắng nghe Lời, suy gẫm về ý nghĩa của Lời, và nhờ sự suy gẫm này mới biết đem Lời ấy áp dụng vào đời sống mỗi ngày. Dân Chúa tìm kiếm Lời để "áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào các hoàn cảnh cụ thể của đời sống". Và ca hát là hình thức tốt nhất cho sự suy gẫm này.

Trước hết, âm điệu, dù đơn sơ, cũng giúp rất nhiều cho sự ghi tạc Lời vào lòng. Nhiều khi một mảnh âm điệu vẳng lên trong tâm hồn ta, và gợi lại cả một bài ca với lời của Thánh Kinh. Bởi vậy, các bài ca thánh vịnh, các bài thánh ca v.v… là những phương tiện hữu hiệu để nuôi dưỡng tâm hồn các tín hữu. Theo J. Gélineau, sau khi hát một bài, đàn phong cầm thường lập lại đề tài đó bằng những âm điệu nhẹ nhàng, kéo dài âm hưởng của tâm tình người ta với lời Thánh Kinh vừa được ca lên, và như thế càng giúp sự thấm nhuần Lời của Chúa.

 

    1. Ca hát xung quanh Lời Chúa:

Sách lễ Roma chuẩn bị cho ta thánh vịnh, Lời hoan hô, và khả năng hát để tuyên xưng đức tin và Lời nguyện chung.

Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca, cũng gọi là ca tiến cấp, bài ca này là thành phần trọn vẹn của Phụng vụ Lời Chúa. Công đồng Vat II đã trả lại địa vị cao cho thánh vịnh. Thánh vịnh vừa là tiếng công bố Lời Chúa, vừa là tiếng dân đáp lại. "Thánh vịnh là sợi dây liên kết sâu xa cả ba bài đọc. Việc biên soạn các thánh vịnh cho thấy dòng chảy lịch sử cứu độ. 150 Thánh vịnh, một kho tàng linh hứng quí giá, qua dòng thời gian, đã là kinh nguyện của Ít – ra – en, của chính Đức Giêsu, của các tông đồ và của Giáo Hội cho đến tận thế. Nói khác, thánh vịnh là một quĩ đạo cho phép ta đi từ lời của Chúa Cha đến lời hằng sống của Chúa Con, được Thánh Thần liên kết. Thánh vịnh là Thánh Kinh giản lược đưa ta chẳng những đi vào Cựu Ước, mà cả Tân Ước…. Dù ngắn hay dài, mỗi thánh vịnh là một bài học cao quí.

Trong Thánh lễ, Thánh vịnh được sử dụng vào nhiều chỗ khác nhau: Ca nhập lễ, Ca hiệp lễ, Đáp ca sau bài đọc 1 (quan trọng nhất) đôi khi câu tung hô Tin Mừng. Thánh vịnh đáp ca giúp cộng đoàn sau khi nghe Lời Chúa, biết dâng lên Thiên Chúa tâm tình của mình. Trong các bí tích và phụ tích, Thánh vịnh đáp ca được hát (hay đọc) sau bài đọc 1.

Gọi là "Thánh vịnh đáp ca" để phân biệt với thánh vịnh đối ca và thánh vịnh đơn thuần. Đây là 3 cách hát thánh vịnh đã được sử dụng trong phụng vụ ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội.

Cũng có khi sau bài đọc 1, cộng đoàn hát lên những thánh thi hay thánh ca trong phần đáp ca. Do suy gẫm Lời Chúa con người sẽ ý thức về sự yếu hèn của mình và tự nhiên muốn kêu cầu lòng thương xót và ân huệ của Chúa. Con người cũng ý thức về các kỳ công tuyệt diệu của Thiên Chúa, và tự nhiên con người muốn chúc tụng và cảm tạ, bằng lời ca tiếng hát để diễn tả tất cả tâm tư lai láng và đầy xúc động của con người. Phụng vụ Giáo Hội đã xử dụng các thánh ca, thánh thi trong các sách: 1 Sb 29,10-12; Xh 35,1-18; Đnl 32,3-41; 1 Sm 2,1-8; Tb 13,2-8; Gn 2,3-8; Gr 31,10-13; Is 12,2-6; Đn 3,51-57; Đn 3,57-87; Is 38,10-16; Lc 1,46-55; Lc 1,69-75; Lc 2,29-30) v.v…

J. Gélineau đã viết: "Trong lời cầu khẩn, ngôn ngữ loài người có thể được cô đọng lại trong một lời ngắn ngủi "xin thương" như ta thấy trong các kinh cầu. Trong lời chúc tụng cũng thế, niềm vui, sự phấn khởi được tỏ bày nơi một tiếng hoan hô, ngắn gọn và mạnh mẽ… Bên cạnh những lời hoan hô ngắn gọn, phụng vụ có những điệu ca "tung hô" kéo dài một âm ra trong một câu nhạc dài, như ta thấy các bài hát Alleluia, với âm a được kéo dài như để thỏa sự sung sướng trong bình ca Grêgôrianô, hay âm vang a trong phần "Hosansa" của bài ca "Sanctus". Ý nghĩa của lời ca bị mờ đi để cho sức mạnh của tâm tình được tự do bày tỏ.

Thí dụ: câu Alleluia trong Đêm Vọng Phục Sinh (được lập lại 3 lần với lên cung từng lần):

    1. Giáo Hội đáp lời Thiên Chúa:

Tiếp nối tâm tình đáp lại Lời Chúa trong hát thánh vịnh đáp ca, là bài giảng của linh mục (hay phó tế), tuyên xưng đức tin và lời cầu nguyện cộng đoàn.

Trong lời nguyện cộng đoàn, thường sau mỗi ý nguyện (do 1 giáo dân đọc) toàn thể cộng đoàn cùng hát lên "Xin Chúa nhậm lời chúng con" – 3 hay 4 lần – như trong các kinh cầu để nhấn mạnh về sự khẩn khoản nài xin. Tuy nhiên cần nên nhớ rằng, không chỉ có một mẫu thức "xin Chúa nhậm lời chúng con" mà còn rất nhiều mẫu thức khác mà Sách Lễ Rôma đã giới thiệu, chẳng hạn:

Như J. Gélineau, ta có thể nhận định như sau: "Các truyền thống phụng vụ Kitô giáo để lại cho chúng ta rất nhiều thí dụ về sự phổ nhạc vào các bài Thánh Kinh. Có khi là nguyên văn từng đoạn, có khi chỉ lấy từng câu Thánh Kinh, được hình thành dưới các thể ca tiền xướng, thánh thi, ca tiếp liên; các bài ca này được sáng tác qua các thế kỷ và hiện vẫn còn được sáng tác. Các bài ca này thường bắt nguồn từ một nhu cầu về nghi thức, như chúng ta sẽ có dịp nhận thấy sau này. Nhưng chức năng thực sự của các bài ca này là để đáp ứng những nhu cầu tâm linh của các tín hữu, và chúng làm nên những phương tiện tối hảo cho việc suy niệm lời Chúa, cũng như để loan báo sứ điệp của Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày. Như vậy, bằng nhiều cách, lời ca phụng vụ đã trở thành dụng cụ tối hảo để loan truyền, lặp lại, đào sâu và tiếp nối Lời Thiên Chúa, và nhờ đó, sau khi ở nhà thờ ra về, Lời Chúa vẫn âm vang trong cuộc đời của các tín hữu và tác động vào xã hội." Việc ca hát cùng với việc lắng nghe, cầu nguyện đều phải diễn tả sứ điệp của phụng vụ Chúa Nhật theo một cách nào đó, để sứ điệp ấy có thể gây ấn tượng cách hữu hiệu nơi người tham dự.